Vật liệu xây không nung - nhọc nhằn giữa cung và cầu

Mặc dù chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXNK) đã được triển khai thực hiện 3 năm, nhưng Gia Lai dường như chưa bắt nhịp được với loại hình vật liệu này.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, tổng sản lượng sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 66,3 triệu viên/năm, ngoài ra còn phải nhập thêm từ Bình Định, Kon Tum và các tỉnh lân cận. Trong khi đó nguyên liệu sản xuất VLXKN chủ yếu là từ cát, đá, xi măng, đá mạt... thì điều kiện tự nhiên của Gia Lai rất thuận lợi, nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư nào đầu tư cho loại hình sản xuất vật liệu này.



Một số hình ảnh về VLXKN

Nhắc đến xây dựng thì gạch nung là vẫn là vật liệu xây dựng truyền thống ở Việt Nam, trong khi các nước trên thế giới hiện nay đã áp dụng hoàn toàn sử dụng VLXKN, đem lại hiểu quả kinh tế cao. Vấn đề ở đây là nhận thức của người dân chưa hiểu hết được những ưu điểm, các nhà tư vẫn thiết kế chưa hòa nhập được thói quen sử dụng VLXKN.

Hầu hết tư duy trong kinh doanh “có cầu mới có cung”. Trong khi theo báo cáo của Sở xây dựng, việc thiếu nguồn cung ứng, nhà đầu tư sản xuất gạch không nung lại chính là điểm bất cập trong việc triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển vật liêu xây không nung, Chỉ thị số 10/CT-TTG về việc tăng cường sử dụng VLXKN.

Trao đổi với PV, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho biết, “triển khai Quyết định số 567/QĐ-TTg, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Công văn của UBND tỉnh về chương trình phát triển VLXKN, Sở Xây dựng đã có nhiều biện pháp phối hợp với các cơ quan, Sở, ban ngành trên địa phương, tuyên truyền, xây dựng những chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế....

Quán triệt các lò gạch sản xuất theo định mức giảm dần... nhưng hiện vẫn chưa có nhiều tiến triển do thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân không thể là một sớm, một chiều. Hơn nữa chưa có nhà đầu tư nào sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh, việc chuyển, nhập từ các địa phương khác làm cho giá cao hơn so với gạch đất sét nung và cũng không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng của tỉnh”.

Giá và chất lượng là tiêu chí đầu tiên của người tiêu dùng

Ông Hoàng - chủ một ngôi nhà đang xây dựng trên đường Lê Duẩn (Pleiku, Gia Lai) cho biết “tôi làm nhà chọn gạch đầu tiên là chất lượng gạch sau đó đến giá. Tôi chưa biết nhiều đến VLXKN, tôi chọn gạch Tuynel để xây vì loại gạch này có chất lượng và cũng thấy nhiều người dùng”.

“Phần lớn, những người đến mua gạch đều hỏi về chất lượng song song với giá, chọn loại nào tùy thuộc vào so sánh chất lượng với túi tiền. Những công ty xây dựng thì quan tâm hàng đầu của người ta đều là giá. Tôi cũng có nói sơ qua về gạch không nung nhưng người mua đều từ chối, do chủ nhà không tin tưởng mấy vào loại gạch mới này”. Bà Ngọc - chủ của hàng bán VLXKN (Pleiku, Gia Lai) chia sẻ.

Theo ông Toàn - GĐ Công ty Tư vấn Thiết kế La Belle: “Cần có công tác tuyên truyền trực tiếp đến người tiêu dùng để thấy được những ưu điểm về chất lượng của VLXKN so với gạch nung, như có tính chịu nhiệt cao, cách âm, cách nhiệt tốt; đa dạng loại hình, nhiều màu sắc, kích thước khác nhau thích ứng tính đa dạng trong xây dựng...”.

“Tôi làm tư vấn thiết kế nhưng những vật liệu xây dựng cũng phải thông qua chủ nhà, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ tư vấn thôi” - ông chia sẻ thêm.

Thị trường tiềm năng là sẽ thu hút nhà đầu tư

Điều kiện tự nhiên Gia Lai có nhiều khoáng sản như đá vôi (đã phát hiện được 6 điểm, trong đó có triển vọng nhất là mỏ đá vôi Chư Sê), đá bazan (Chư Sê, Plâycu, Chư Păh), đá granit (Chư Sê, ở Bắc Biển Hồ, An Khê, La Khươi), tại nhiều mỏ đá có thể tận dụng đá mạt... thuận lợi trong sản xuất VLXKN, giảm được chi phí vận chuyển từ địa phương khác, giảm chi phí sản xuất.

UBND tình Gia Lai đã xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi về thuê đất, lãi suất vay..., giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên để nhà đầu tư thấy được đây là loại hình sản xuất tiềm năng thay thế cho gạch nung trong tương lai mới là mấu chốt. Theo định hướng phát triển đô thị ở Gia Lai tầm nhìn đến năm 2030, sẽ tăng nhu cầu về VLXD.

Theo Công văn số 500 của UBND tỉnh Gia Lai, kể từ năm 2015 sẽ sử dụng 50% VLXKN tại đô thị loại 3, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 30% VLXKN đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Như vậy khung pháp lý, cơ chế để buộc đưa VLXKN vào trong xây dựng đã có, nghĩa là buộc thị trường phải có nhu cầu. Thị trường có nhu cầu tất yếu có lợi nhuận.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và Lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến...